Thứ Tư, 25 tháng 11, 2009

10 sự kiện tồi tệ nhất trong thập kỷ qua

Suy thoái kinh tế, chiến tranh Iraq, thảm họa sóng thần cùng tai tiếng về nhà tù Guantanamo là những sự kiện kinh hoàng nhất trong 10 năm qua do tạp chí Time của Mỹ bình chọn.

Cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi năm 2000 tại Mỹ.
Khởi đầu một thập kỷ nhiều biến động là kết quả bỏ phiếu gây tranh cãi kéo dài cả tháng tại bang Florida và kết thúc là ngôi tổng thống Mỹ thuộc về George W. Bush, với số chênh lệch chỉ là 537 phiếu. Ảnh: NEWSMAKERS.

Vụ tấn công khủng bố 11/9/2001.
Cuộc tấn công đẫm máu tại New York và Washington D.C. ngày 9/11/2001 đã định nghĩa lại khái niệm chính trị toàn cầu và buộc dân Mỹ phải đặt câu hỏi về nền an ninh vốn luôn được cho là đáng tự hào của họ. Nó cũng mang tới cho nước Mỹ một kẻ thù mới - al Qaeda. Ngày 11/9 cũng thay đổi cách sống của người Mỹ: từ việc kiểm soát gắt gao tại sân bay đến việc lo lắng về bột trắng trong phong bì và những chiếc cặp bị bỏ quên tại các ghế công viên. Ảnh: Reuters.

Cuộc đổ quân vào Afghanistan.
Hậu quả tức thì của vụ tấn công 11/9 là quyết định trừng phạt của chính quyền Bush trước đế chế Taliban đã dung nạp al Qaeda và ông trùm Osama bin Laden. Cho dù ban đầu được đánh giá là thành công khi đánh bật Taliban khỏi Kabul, nhưng cuộc chiến tại đây ngày càng trở nên tồi tệ khi lực lượng phiến quân này vẫn luôn ẩn núp và dần dần khôi phục lại thế lực. Ảnh: Getty For Time.

Chiến tranh Iraq, 3/2003.
Tuyên bố chiến dịch quân sự như một phần không tách rời của Chiến tranh chống khủng bố, chính quyền Bush đã đổ quân vào Iraq, kiểm soát toàn bộ quốc gia và hất cẳng tổng thống Saddam Hussein. Lý do cho cuộc xâm chiếm này là sự tồn tại của vũ khí hủy diệt mà Saddam có thể đã hỗ trợ cho đồng minh al Qaeda. Tuy nhiên, Mỹ không tìm thấy vũ khí hủy diệt ở Iraq cũng như nhiều người ngờ rằng Saddam khó có thể đánh bạn với những chiến binh Hồi giáo cực đoan. Thực tế đã cho thấy chiến tranh ở Iraq ngày càng sa lầy nghiêm trọng khi lấy đi tính mạng của hàng nghìn người Mỹ và gây ra các vụ scandal như nhà tù Abu Ghraib. Ảnh: Noor For Time.

Sóng thần ở châu Á - 12/2004.
Cuối tháng 12/2004, trận động đất kinh hoàng xảy ra ở ngoài khơi Sumatra, Indonesia, kéo theo những con sóng khổng lồ nhấn chìm các khu vực quanh Ấn Độ Dương. Ước tính 200.000 người đã chết chỉ trong vài giờ đồng hồ. Ảnh: Reuters.

Bão Katrina, 1/9/2005.
Xét về thiệt hại vật chất thì cơn bão càn quét nước Mỹ có thể không kinh hoàng như sóng thần ở Ấn Độ Dương, nhưng ảnh hưởng tâm lý của nó thì vô cùng to lớn. Thành phố New Orleans, gắn liền với biểu tượng nước Mỹ, bị nhấn chìm toàn bộ. Sự phản ứng thiếu hiệu quả của mọi cấp chính quyền trước thảm họa đã làm xói mòn quan niệm về một nước Mỹ "ngoại lệ". Ảnh: MAGNUM FOR TIME

Sự suy thoái kinh tế, 13/9/2008.
Cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu vào tháng 9/2008 khi tập đoàn Lehman Brothers sụp đổ. Sự hoảng loạn, lo sợ nhanh chóng lan tràn khắp toàn cầu. Nhưng ảnh hưởng của nó nặng nề với dân Mỹ hơn bao giờ hết. Thu nhập trung bình của mỗi hộ dân Mỹ năm 2000 là 52.500 USD. Đến năm 2008, con số chỉ là 50.303 USD. Năm 2000, 11,3% dân Mỹ sống dưới mức đói nghèo. Đến năm 2008, con số là 13,2%. Ảnh: Redux.

Vụ gian lận tài chính lớn nhất trong lịch sử, tháng 10/2008.
Siêu lừa đảo nước Mỹ với cái tên Bernie Madoff đang gặm nhấm quãng đời còn lại trong nhà lao ở North Carolina với án tù 150 năm vì thực hiện âm mưu gian lận tài chính lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Vụ lừa đảo được lật tẩy vào cuối năm 2008 mở ra một danh sách nạn nhân trải dài từ châu Mỹ tới châu Âu và cả châu Á. Đến nay, người ta vẫn chưa xác định số tiền 50 tỷ USD đã biến đi đâu. Ảnh: Getty Images.

Sự tan rã của ngành công nghiệp ôtô.
Ngành công nghiệp xe hơi Mỹ dường như tan biến sau sự sụp đổ của hàng loạt đại gia như GM, Chrysler và UAW. Thành phố xe hơi Detroit của Mỹ trở nên khủng hoảng với những chiếc xe chất lượng thấp, dây chuyền sản xuất được giám sát bởi bộ máy quản lý cồng kềnh, phụ thuộc vào cơ cấu tài chính thiếu chuyên nghiệp. Ảnh: VII for Time.

Scandal nhà tù Guantanamo.
Đã bị bôi bẩn bởi scandal về nhà tù Abu Ghraib, lý tưởng về một nước Mỹ tự do lại bị vùi dập bởi những biện pháp tra khảo tàn khốc và vô nhân đạo tại trại quân sự Mỹ ở Guantanamo, Cuba. Với phần còn lại của thế giới, nhà tù Guantanamo đã phủ mờ ánh sáng tự do mà nước Mỹ tuyên bố là luôn bảo vệ, giữ gìn. Ảnh: Getty Images.



















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét